Chính trị Köln

Tòa thị chính Köln

Trong thời kỳ của người La Mã, đô đốc chỉ huy hạm đội sông Rhein đồng thời cũng là người điều hành hành chính của thành phố. Thời gian sau đấy, vì là trụ sở của địa hạt tổng Giám mục nên vị tổng Giám mục có toàn quyền tại Köln. Trong một thời gian dài Köln đã cố gắng tách rời thành phố ra khỏi quyền hạn của tổng Giám mục, việc mà cuối cùng cũng đã thành công trong thế kỷ XIII. Ngay từ năm 1180 Köln đã có một hội đồng thành phố, 2 thị trưởng được hội đồng lựa chọn hằng năm. Sau khi thuộc về Vương quốc Phổ năm 1815, Köln là một thành phố độc lập và đồng thời cũng là nơi đặt trụ sở của một hội đồng quận chỉ được giải thể trong cuộc cải tổ hành chánh năm 1975. Từ năm 1815 đứng đầu thành phố là một thị trưởng, bên cạnh ông là một hội đồng thành phố

Trong thời gian Đức Quốc xã, thị trưởng thành phố là người do đảng NSDAP chỉ định. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ủy ban quân quản của vùng do quân đội Anh chiếm đóng chỉ định một thị trưởng mới và áp dụng các luật lệ về hành chánh theo gương Anh. Theo đấy, thành phố có một hội đồng thành phố do người dân bầu, thành viên của hội đồng được gọi là "nghị sĩ thành phố". Ban đầu, hội đồng chọn thị trưởng là người đứng đầu và đại diện thành phố, giữ chức vụ với tính cách danh dự (không có lương). Thêm vào đấy từ năm 1946 hội đồng cũng lựa chọn một người chuyên nghiệp điều hành hành chính thành phố (Oberstadtdirektor). Năm 1999 hai vị trí song đôi này được bãi bỏ. Từ đấy chỉ còn người thị trưởng chuyên điều hành công việc hành chánh. Thị trưởng là người đứng đầu hội đồng, lãnh đạo hành chánh thành phố và cũng là người đại diện cho thành phố. Từ đấy thị trưởng được bầu trực tiếp từ người dân.

Truyền thống chính trị và phát triển

Truyền thống lâu đời của một thành phố đế chế tự do, dân cư gần như chỉ chịu ảnh hưởng Công giáo trong một thời gian dài và đối lập kéo dài nhiều thế kỷ giữa nhà thờ và giới trung lưu đã tạo cho Köln một bầu không khí chính trị riêng biệt. Tại Köln đã thành hình nhiều nhóm có lợi ích chung vượt qua ranh giới đảng phái. Các quan hệ đan kết thành hình từ đấy, cái được gọi là Bè lũ Köln (Kölner Klüngel), đã liên kết chính trị, kinh tế và văn hóa với nhau trong một hệ thống chiếu cố, cam kết và phụ thuộc lẫn nhau. Việc này thường hay dẫn đến một tỷ lệ phân chia lạ thường trong cơ quan hành chánh thành phố và đôi lúc đã biến chất đến tham nhũng: Qua vụ "scandal rác" về tiền hối lộ và tiền ủng hộ đảng phái trái phép được lật tẩy năm 1999, không những nhà doanh nghiệp Helmut Trienekens phải vào tù mà toàn bộ giới lãnh đạo các đảng lớn cũng bị lật đổ.

Huy hiệu thành phố Köln

Tấm khiên có hai màu đỏ và trắng là màu của Hiệp hội Thương gia Đức (Hanse) thời Trung cổ. Là trung tâm thương mại quan trọng, Köln không những nằm trong hiệp hội của các thương gia và thành phố thương mại này mà còn cùng với Lübeck là thành phố sáng lập ra hiệp hội và vì thế là một trong những thành phố thuộc hiệp hội lâu đời nhất trong nước Đức.

Ba chiếc vương miện có trên huy hiệu từ thế kỷ thứ 12 muốn nhắc đến Ba Vua Thánh mà hài cốt đã được tổng Giám mục Köln Reinald của Dassel mang từ Milano về, được gìn giữ trong một hòm mạ vàng phía sau bàn thờ của Nhà thờ Lớn.

Có trên huy hiệu của thành phố từ thế kỷ XVI là 11 giọt nước mắt hay ngọn lửa nhắc đến Thánh Ursula. Theo truyền thuyết, Ursula là một công chúa vùng Bretagne (Pháp) đã bị người Hun đang vây hãm thành phố Köln giết chết khi đang trên đường về từ một cuộc hành hương đến Roma.

Bao bọc lấy huy hiệu của thành phố Köln là con chim đại bàng hai đầu của đế chế, mang thanh kiếm và cây quyền trượng, nhắc đến việc thành phố từ năm 1475 trong thời Trung cổ là một thành phố độc lập thuộc trong Thánh Chế La Mã dân tộc Đức. Chim đại bàng có 2 đầu vì hoàng đế La Mã cũng đồng thời là vua Đức.

Các thành phố kết nghĩa